Trắng đêm cứu cẳng chân dập nát của tài xế
23h, xe cấp cứu hú còi thắng gấp trước cửa Bệnh viện Chấn thương Chỉnh hình TP.HCM, điều dưỡng lao nhanh xuống xe với kêu to "có bệnh nhân nặng".
Điều dưỡng cùng hộ lý bệnh viện nhanh chóng đẩy băng ca ra đón bệnh nhân nam với chân trái dập nát, máu thấm ướt tấm đệm. Bỏ qua khâu thủ tục hành chính vòng ngoài, bệnh nhân được đưa thẳng vào phòng cấp cứu bệnh viện khuya 1/8/2019.
Sau đó là cả một đêm kíp y bác sĩ nỗ lực cứu sống và giữ cho bệnh nhân lành lặn. Với tổn thương của bệnh nhân, cắt chi là điều cần làm để đảm bảo an toàn mạng sống. Nhưng anh này là trụ cột lao động của gia đình. Các bác sĩ đắn đo và đã quyết định chấp nhận thử thách, giữ lại chân cho bệnh nhân.
Nhận được cảnh báo bệnh nhân đang bị choáng chấn thương có thể nguy hiểm tính mạng, gần như toàn bộ nhân lực của tua trực cấp cứu dồn vào. Các điều dưỡng chia nhau mỗi người một việc, lấy thêm đường truyền tĩnh mạch, lấy máu và nước tiểu xét nghiệm, đo mạch huyết áp, lấy thuốc theo y lệnh bác sĩ, cho bệnh nhân thở oxy, xả garo để tiến hành garo lại nhằm hạn chế mất máu, liên lạc với khoa xét nghiệm để xin kết quả khẩn cũng như dự trù máu truyền...
Nhóm điều dưỡng khác nhanh chóng thảo luận với phòng mổ để điều tiết các ca phẫu thuật cấp cứu nhằm mục đích phải có phòng trống ưu tiên đưa bệnh nhân này vào. Người thân cho biết bệnh nhân 41 tuổi làm nghề tài xế xe máy xúc, bị xe lật đè vào chân lúc 21h. Anh được đưa vào sơ cứu tại bệnh viện ở Bình Dương rồi chuyển lên TP.HCM vào giờ thứ ba với vết thương dập nát rất dơ, lộ hẳn khớp gối ra ngoài.
Các bác sĩ trực hội chẩn toàn tua trực, thăm khám kỹ, siêu âm mạch máu tại giường, ra các y lệnh liên tục. Huyết áp tụt, mạch nhanh, bứt rứt, niêm nhạt vã mồ hôi là những dấu hiệu cho thấy bệnh nhân có thể rơi vào tình trạng choáng chấn thương, đe dọa tính mạng bất kỳ lúc nào.
Trong khi chờ kết quả xét nghiệm, bệnh nhân được bù dịch tốc độ nhanh, thuốc kháng sinh phổ rộng, giảm đau đa mô thức, chích ngừa huyết thanh kháng độc tố uốn ván, thuốc cầm máu. Các bác sĩ chẩn đoán bệnh nhân có vết thương dập nát chân trái, trật hở khớp gối trái, theo dõi tổn thương mạch máu giờ thứ ba, đe đoạ choáng chấn thương. Khả năng bệnh nhân bị đoạn chi rất cao.
Bác sĩ Trần Chí Khôi, Khoa Chi dưới, Bệnh viện Chấn thương Chỉnh hình TP HCM, cho biết đây là tổn thương chi rất nghiêm trọng, môi trường tai nạn rất dơ vì có nhiều đất cát, dầu nhớt và các loại ngoại vật khác xâm nhập vào cơ thể. "Đôi khi để cứu tính mạng bệnh nhân, đội ngũ y tế phải chấp nhận đoạn chi ngay từ đầu vì nếu để lâu, hội chứng thuyên tắc cũng như sốc nhiễm trùng và nhiễm độc sẽ đe dọa nghiêm trọng", bác sĩ Khôi nói.
Bệnh nhân là trụ cột gia đình, vợ mang thai sắp sinh, nên các bác sĩ cân nhắc nhiều khi ra quyết định. Về pháp lý, người có quan hệ ruột thịt hoặc vợ bệnh nhân phải trực tiếp ký giấy trước mổ, chấp nhận bỏ chân nếu trường hợp xấu nhất xảy ra. Lúc này chỉ có bạn bè bệnh nhân, người thân khoảng 2 giờ nữa mới đến kịp. Thời gian bảo vệ mạng sống của bệnh nhân chỉ còn tính bằng phút, các bác sĩ buộc phải bỏ qua khâu pháp lý để đưa vào phòng phẫu thuật.
Chỉ một tiếng đồng hồ sau khi bệnh nhân nhập viện, phòng xét nghiệm thông báo bằng miệng các chỉ số không có gì bất thường, máu cũng đã chuẩn bị sẵn sàng. Bệnh nhân được đẩy băng ca vào phòng mổ. Không kịp đợi kết quả xét nghiệm như quy trình, bác sĩ gây mê tiến hành đặt nội khí quản. Bệnh nhân được mổ càng sớm thì khả năng giữ lại chân càng cao nên bác sĩ phải bằng mọi giá phải gây mê thật nhanh. Nếu kéo dài, tình trạng trật khớp gối đè ép lên mạch máu vùng gối lâu, dẫn đến tình trạng thiếu máu nuôi càng nặng, chân càng dễ bị hoại tử.
Theo bác sĩ Khôi, trong quá trình phẫu thuật, kíp mổ không đặt garo cầm máu như thường quy vì sợ làm nặng hơn tình trạng tắc nghẽn lưu thông máu. Bệnh nhân được bơm rửa với khoảng 15 lít nước muối pha betadin. Khi rửa xong, chậu đựng nước đóng một lớp đất cát dày khoảng hơn một cm.
Sau khi cắt lọc cẩn thận mô dập nát, nắn trật lại khớp gối và xuyên đinh cố định khớp gối, cả ê kíp thở phào nhẹ nhõm vì tình trạng tưới máu chân phục hồi khả quan. "Lúc này đã gần 3h sáng, cả ê kíp mệt rã rời nhưng ánh mắt ai cũng rạng ngời vì có thể giữ lại được chân cho bệnh nhân", bác sĩ Khôi nói.
Đến ngày 13/8, chân bệnh nhân hồi phục tốt, dự kiến sẽ trải qua một vài lần phẫu thuật cắt lọc và ghép da nữa.
Theo Vnexpress