Giỏ hàng

Không khí ô nhiễm, làm sao bảo vệ sức khỏe gia đình?

Chọn loại khẩu trang nào chống được bụi mịn? Không khí trong nhà có sạch hơn không khí ngoài đường hay không? Chọn máy lọc không khí cần quan tâm các chỉ số nào? Làm gì để bảo vệ sức khỏe của mình và gia đình khi không khí ô nhiễm cao, ô nhiễm bụi mịn?

Các chỉ số ô nhiễm càng tăng cao thì nỗi lo lắng của người dân càng lớn. Đặc biệt các gia đình có người già, trẻ nhỏ thì càng thêm phần bất an.

Sử dụng khẩu trang nào chống được bụi mịn?

Trên báo Tuổi Trẻ online, BS Trịnh Hồng Nhiên - trưởng khoa hô hấp Bệnh viện Nhi Đồng TP.HCM - cho biết khẩu trang tốt cần có đủ 5 lớp, trong đó có 3 lớp màng lọc: màng than hoạt tính, màng lọc tĩnh điện, màng lọc các hạt nhỏ. Ngoài ra còn có lớp thoáng để giảm cảm giác ngột ngạt khi đeo và lớp vải không dệt để lọc các chất ô nhiễm có kích thước lớn. Khẩu trang chỉ được sử dụng một lần, không giặt sử dụng lại vì sẽ làm phá hủy lớp màng bảo vệ.

Theo BS Trương Hoàng Hưng, người vừa “nhá hàng” trên trang cá nhân sẽ có bài viết về chủ đề bụi mịn ảnh hưởng lên sức khoẻ trẻ em tới tận DNA, thì khi ra ngoài đường nên đeo khẩu trang y tế như N95 hay P-100 và phải đeo đúng cách. Nếu đeo khẩu trang không khít thì không khí vẫn có thể đi qua kẽ khẩu trang, hoặc gây cản trở tầm nhìn, vướng hoặc cản trở lực hô hấp gây khó thở.

Không khí trong nhà có sạch hơn ngoài đường không?

Không khí trong nhà ô nhiễm không kém gì không khí ngoài đường do bị ô nhiễm từ các nguồn: hoạt động nấu nướng, các vật dụng trong nhà, bụi mịn, khói thuốc lá; ô nhiễm từ vật liệu xây dựng, thảm, thú nuôi, nấm mốc, ozone, chất tẩy rửa, chất diệt côn trùng và ô nhiễm từ môi trường bên ngoài tuỳ theo mức độ lưu thông không khí. Theo cục bảo vệ môi trường Mỹ, ô nhiễm trong nhà còn nguy hiểm hơn ở ngoài đường vì nó không kém ngoài đường là bao nhiêu, khảo sát có vài chất ô nhiễm cao hơn 2-5 lần so với bên ngoài, và chúng ta hít thở không khí trong nhà hết 90% thời gian trong ngày, nên tác hại lớn hơn nhiều.

Vì thế, nói không khí trong nhà sạch hơn và ít tác hại hơn là không đúng.

Trong một nghiên cứu về tác dụng của máy lọc không khí ở vùng có mức ô nhiễm cao ở Mongolia (48-113), người ta thấy:

  • Tỷ lệ bụi mịn trong nhà liên hệ với tỷ lệ bụi mịn bên ngoài.
  • Tỷ lệ Cadmium trong máu của những người có người nhà hút thuốc cao hơn 24% so với nhà không có người hút thuốc. Cadmium là chất gây ung thư thải ra trong khói thuốc.

Vì thế trang bị máy lọc không khí trong nhà là cần thiết.

Chọn máy lọc không khí lọc được bụi mịn

Không khí ô nhiễm, đặc biệt là tình trạng bụi mịn PM2.5 (là bụi nhỏ hơn 2.5 microns) thì nguy cơ ảnh hưởng sức khoẻ càng cao hơn bao giờ hết. Khi chọn máy lọc không khí lọc được bị mịn cần lưu ý các yếu tố quan trọng:

  • Tốc độ lọc không khí (CADR): nên chọn máy có thể lọc toàn bộ không khí trong phòng khoảng 5 lần/giờ. Nếu phòng 40 m3 thì phải lọc được cỡ 200 m3 không khí trong một giờ. Nếu công suất lọc quá nhỏ sẽ không làm sạch không khí vì quá trình tái ô nhiễm là một quá trình bổ sung liên tục. Nếu máy quá yếu thì tác dụng lọc không khí xem như không đáng kể.
  • Khả năng của màng lọc, nên dùng các loại màng lọc HEPA có khả năng lọc hết 99.97% bụi ô nhiễm trong không khí kể cả bụi mịn, hầu hết là tới 0.3 microns, có loại còn lọc tới 0.1 microns.
  • Gia đình có người dị ứng thì nên có thêm màng lọc carbon.
  • Ngoài ra, không phải chỉ màng lọc điện mới lọc được bụi mịn mà màng lọc cơ HEPA vẫn lọc được bụi mịn. Khả năng lọc của màng lọc được đánh giá bằng thang điểm MERV được đánh giá từ 1-20. Màng lọc có MERV từ 17 trở lên là có khả năng lọc bụi mịn tới 99.97%, các loại lọc HEPA hay ULPA có MERV 19-20 có thể lọc 99.99% bụi mịn.
  • Lưu ý chọn màng lọc xịn và thay thường xuyên định kỳ.

Cư dân ở thành phố lớn có nên tập thể dục buổi sáng sớm ngoài trời?

Các thành phố lớn dày đặc cao ốc, nhà máy xí nghiệp còn các khoảng xanh rất hiếm hoi. Các công viên thì phần lớn đều được bao bọc bởi các tuyến đường chính có mật độ giao thông lớn đặc biệt vào giờ cao điểm.  Vì thế người có thói quen tập thể dục tại công viên nên chọn khung giờ sớm sẽ ít phương tiện giao thông hoạt động. Nên chọn khu vực thông thoáng nhiều cây xanh và bài tập vừa sức phù hợp với thể trạng của mỗi người.

Chú ý chăm sóc sức khỏe từ bên trong để bảo vệ sức khỏe gia đình khỏi ô nhiễm không khí, ô nhiễm bụi mịn

Chăm sóc sức khỏe từ bên trong để tăng sức đề kháng cho cơ thể là vấn đề cần được quan tâm đều đặn và lâu dài. Nên duy trì chế độ dinh dưỡng lành mạnh đủ các nhóm bột đạm béo, vitamin và khoáng chất đồng thời tăng cường trái cây và rau xanh để ngừa tác hại của các chất ôxi hóa. Trẻ em nên được tiêm ngừa đầy đủ. Người có sức khỏe yếu nên tiêm ngừa cúm, ngừa phế cầu…

Khi ra đường nên trang bị khẩu trang chất lượng, găng tay, mũ nón, mắt kính và áo khoác, hạn chế tối đa việc lưu thông trong giờ cao điểm.

Sau khi trở về nhà nên vệ sinh bằng cách tắm rửa bằng xà phòng, nhỏ mắt, mũi bằng nước muối sinh lý.

Thay đổi thói quen: tắt máy xe khi dừng đèn đỏ, chuyển đổi sử dụng bếp than sang các dạng năng lượng khác khi đun nấu thân thiện với môi trường hơn. khi đun nấu, không đốt rơm rạ, vàng mã... Đi bộ hoặc đi xe đạp khi di chuyển quãng đường ngắn, ưu tiên phương tiện công cộng thay vì phương tiện cá nhân…

Trong nhà, trong tòa nhà, khu dân cư có thể áp dụng các cách như thường xuyên vệ sinh và thay bộ lọc máy điều hòa; quét, lau sàn nhà; trồng cây xanh đặc biệt là ưu tiên các loại cây như nha đam, trầu bà, lưỡi hổ vì chúng thải khí oxi về đêm.

SKI tổng hợp từ thông tin trên trang của BS Truong Hung và tuoitreonline.

 

//file.hstatic.net/1000377918/file/1_678181dedce241b4b81fd1625b62a999.jpg
Facebook Instagram Youtube Twitter Google+ Top