Giỏ hàng

DỄ SUY THẬN CẤP VÌ VẬN ĐỘNG QUÁ SỨC

Nam sinh 19 tuổi chưa từng vận động nhiều nhưng đã gắng sức vượt giới hạn chịu đựng của bản thân khi thực hiện bài thi thể dục khiến cơ vân bị tiêu hủy, gây suy thận.

Khoa Hồi sức Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM vừa tiếp nhận nam sinh suy thận do tiêu hủy cơ vân cấp vì vận động quá sức. Đây là vấn đề sức khỏe hay gặp nhưng nhiều người không biết có thể nguy hiểm đến tính mạng.

Bệnh nhân là N.V.T., 19 tuổi, sinh viên một trường đại học ở Q.Thủ Đức, TP.HCM. T. nhập viện trong tình trạng đau cơ hai chân và nước tiểu có màu đỏ sẫm. Sau khi khám và làm các xét nghiệm, bác sĩ kết luận T. bị hội chứng tiêu hủy cơ vân và suy thận cấp, phải lọc máu ngay.

Tin này khiến gia đình bàng hoàng vì sức khỏe T. rất tốt. Bác sĩ hỏi T. gần đây có tập thể dục hay vận động quá sức không. T. cho biết hôm trước có đi thi thể dục và thực hiện động tác squat - bài tập tăng cường cơ bắp - mấy chục cái.

Vì muốn đạt kết quả tốt nên T. đã thực hiện bài tập với cường độ mạnh và nhanh. Về nhà, T. bị đau cơ đùi, nhưng cũng chỉ nghĩ do tập thể dục. Sau đó, T. đi tiểu có màu đỏ sẫm nên đến Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM khám.

Bác sĩ giải thích do T. vận động quá sức nên bị hội chứng tiêu hủy cơ vân và gây suy thận cấp. Do chưa từng tập thể dục, vận động nhiều, mà khi thực hiện bài thi, T. đã gắng sức vượt giới hạn chịu đựng của bản thân khiến cơ vân bị tiêu hủy, gây suy thận.

Trước đó, nơi đây cũng tiếp nhận bệnh nhân nữ sau khi trổ tài nhảy dây hơn 200 cái cho hội chị em xem, hai hôm sau, chị đau căng cứng hai đùi và tiểu đỏ. Đến bệnh viện, bác sĩ chẩn đoán chị bị hội chứng tiêu hủy cơ vân, tăng kali và suy thận cấp.

Tương tự, các bệnh viện như Chợ Rẫy, Gia Định, Nhân dân 115 cũng tiếp nhận nhiều trường hợp bị tiêu hủy cơ vân do vận động quá mức, do chèn ép và cả nguyên nhân do dùng thuốc.

Bác sĩ Lê Thị Tuyết Lan, Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM, cho biết vận động mạnh, gắng sức quá mức, nhất là với những người ít vận động mà đột nhiên vận động mạnh, gắng sức nhiều thì có nguy cơ bị tiêu cơ vân.

Tiêu cơ vân là tổn thương phá hủy các tế bào cơ vân, làm giải phóng các chất là thành phần của tế bào cơ vân vào trong máu như myoglobin. Các protein của cơ vào máu và bài tiết qua ống thận làm tắc ống thận nên gây ra suy thận. Bên cạnh đó, tiêu cơ vân cũng gây ra các rối loạn điện giải gây tăng kali và phospho máu.

Tuy nhiên, không chỉ vận động gắng sức mới gây ra hội chứng tiêu hủy cơ vân, mà còn nhiều nguyên nhân khác như: do chèn ép trong hội chứng vùi lấp sập nhà, sập hầm, hay trong bó bột chèn ép quá chặt làm thiếu máu nuôi nên cơ vân bị tiêu hủy. Ngoài ra, tiêu cơ vân còn do tác dụng phụ của một số loại thuốc.

Có một điểm chung là hầu hết những trường hợp bị tiêu cơ vân khi đến bệnh viện đều ở tình trạng nặng là suy thận. Vì triệu chứng điển hình của tiêu cơ vân là đau cơ - một dấu hiệu gặp phổ biến trong cuộc sống thường nhật nên nhiều người bỏ qua.

Có những trường hợp tiêu cơ vân nhẹ thì sẽ tự khỏi, còn đợi khi có tiểu sẫm màu thì bệnh đã diến tiến nặng, thường là suy thận. Bác sĩ cũng cảnh báo học sinh, trẻ nhỏ bị thầy cô, người lớn phạt bắt thụt dầu nhiều lần, chạy nhiều vòng là những trường hợp nguy cơ cao bị tiêu cơ vân.

Ngay cả tập và thi thể dục, học sinh, sinh viên cũng có thể bị tiêu cơ vân, vì tâm lý các em rất muốn đạt kết quả, điểm số cao nên nỗ lực, cố gắng gấp đôi, gấp ba ngày thường; nếu chưa hoặc không khởi động trước dễ xảy ra hậu quả như bệnh nhân N.V.T.

“Đặc biệt, trước khi vận động cần phải khởi động thật kỹ. Lưu ý, sau vận động phải uống nước đầy đủ, vì mất nước làm tăng nguy cơ tiêu cơ vân cấp, đồng thời uống nhiều nước giúp đào thải các chất gây hại cho thận”, bác sĩ Tuyết Lan lưu ý.

Theo phunuonline

https://file.hstatic.net/1000377918/file/anh-trong-bai-viet_aaa119a2846041c1bbacfdea43bc155a.jpg
Facebook Instagram Youtube Twitter Google+ Top