CÁCH XỬ LÍ VẾT THƯƠNG HỞ ĐÚNG TRONG THỜI GIAN GIÃN CÁCH
Vì diễn biến phức tạp của dịch bệnh, với tiêu chí "ai ở đâu, ở yêu đó" nhằm tránh tiếp xúc và lây lan, nên mọi hoạt động của người dân hầu như đều diễn ra tại nhà. Vì vậy, việc trang bị những kĩ năng và kiến thức sơ cứu vết thương là cần thiết để tự mình có thể xử lí những vết thương nhẹ hoặc cũng biết cách sơ cứu kịp thời trước có sự hỗ trợ giúp của y tế. Việc trang bị cho mình kiến thức góp phần tự bảo vệ sức khỏe bản thân, đồng thời những người thân trong gia đình.
Mọi người có thể xử lí vết thương hở tại nhà với 5 bước đơn giản sau:
Bước 1: Sát trùng tay và dụng cụ
Trước khi tiến hành sơ cứu vết thương, đặc biệt đối với những vết thương dễ nhiễm trùng, người bệnh hoặc người chăm sóc cần làm sạch tay. Sát trùng tay đúng cách giúp tránh nguy cơ đưa vi khuẩn từ tay đến vị trí tổn thương. Sử dụng cồn y tế hoặc các chất sát khuẩn như xà phòng để làm sạch tay trước khi sát trùng vết thương. Ngoài ra, có thể sử dụng găng tay y tế để hạn chế tay tiếp xúc trực tiếp với vết thương và máu của bệnh nhân.
Dụng cụ xử lý vết thương gồm bông, gạc, băng,… cần đảm bảo vô khuẩn trước khi sử dụng cho bệnh nhân.
Bước 2: Cầm máu
Nếu vết thương chảy máu nhiều, cần cầm máu ngay bằng cách sử dụng gạc y tế hoặc tấm vải sạch ép lên miệng vết thương đến khi máu ngừng chảy. Không nên sử dụng garo vết thương trừ khi máu chảy quá nhiều và không thực hiện được cầm máu bằng áp lực trực tiếp. Đối với các vết thương ở chân, tay, cần nâng cao hơn so với tim để làm máu chảy chậm lại. Nếu các biện pháp cầm máu không hiệu quả, hay đưa bệnh nhân tới cơ sở y tế gần nhất để được bác sĩ cấp cứu kịp thời.
Bước 3: Làm sạch vết thương
Rửa vết thương với nước sạch hoặc nước muối sinh lý. Việc làm này giúp loại bỏ bụi bẩn ở vị trí tổn thương. Sau khi rửa xong, dùng khăn sạch lau khô. Có thể dùng xà phòng để làm sạch vùng xung quanh vết thương. Tuy nhiên, không được để xà phòng tiếp xúc trực tiếp với miệng vết thương.
Nếu vết thương có dị vật, sử dụng dụng cụ vô trùng để gắp ra. Đối với các vết thương thủng do dị vật đâm sâu, tuyệt đối không tự ý rút dị vật. Trường hợp này cần cầm máu và liên hệ y tế để đảm bảo an toàn cho bệnh nhân.
Bước 4: Sát trùng vết thương
Sát trùng vết thương là bước quan trọng nhất trong quá trình xử lý vết thương. Nếu sát trùng không đúng cách có thể gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm. Nhiễm trùng và chậm lành vết thương là biến chứng hay gặp nhất khi chăm sóc vết thương. Sử dụng dung dịch sát khuẩn để sát trùng vết thương cần đáp ứng các tiêu chí sau:
- Tác dụng diệt khuẩn mạnh.
- Không phá hủy mô và tế bào lành khác.
- Có khả năng thấm sâu, hiệu quả nhanh.
- Không gây đau rát, không gây độc cho cơ thể.
Không nên sử dụng các dung dịch sát khuẩn chứa cồn để sát trùng vết thương. Các dung dịch này gây đau xót cho bệnh nhân. Đồng thời, cồn làm tổn thương cấu trúc mô hạt, kéo dài thời gian lành vết thương. Sát trùng cả miệng vết thương và vùng xung quanh để hạn chế tối đa nguy cơ nhiễm trùng. Sau khi sát trùng có thể rửa lại với nước muối sinh lý.
Bước 5: Băng vết thương
Băng bó vết thương đúng cách giúp cho vết thương luôn sạch sẽ và thúc đẩy nhanh quá trình lành da.
Các vết thương nhỏ, không cần băng, để vết thương thông thoáng. Đối với vết thương lớn, dùng băng gạc vô khuẩn quấn xung quanh vết thương. Nên thay băng thương xuyên để đảm bảo sạch sẽ.
Nguồn tham khảo từ Bệnh viện Da liễu TP.HCM
Công ty TNHH SK Quốc tế